Kính thưa các thầy cô giáo cùng tất cả các bạn học sinh thân mến!
Tháng 11 lại về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11, ngày mà cả xã hội với tấm lòng trân trọng tôn vinh công lao cao cả đối với nhà giáo, chúng ta ai cũng có một niềm tin yêu của một thời thơ ấu tuổi học trò, những tâm hồn trong trắng tuổi học trò cũng đang suy nghĩ về thầy, cô kính mến của mình với tấm lòng biết ơn sâu đậm và niềm tôn kính vô hạn.
Ngày Nhà giáo Việt Nam (hay ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) 20/11 đang đến gần. Bên cạnh những món quà xinh xắn, những bông hoa được chăm chút dành tặng người đứng trên bục giảng nhằm thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, sách là món quà mang nhiều ý nghĩa và cũng là cửa sổ mở ra những chân dung đẹp, những bài học giáo dục quý giá cho chúng ta. Hôm nay tôi xin giới thiệu với các em cuốn sách: “Cô sẽ giữ cho em mùa xuân" - của nhà xuất bản Giáo dục tái bản lần thứ 2. Cuốn sách có 221 trang, khổ sách dài 21 cm, bìa xanh lá cây với tên nhan đề được in dòng chữ màu trắng nổi bật.
Cuốn sách là tuyển tập các bài viết về Nhà giáo Việt Nam của các thầy cô giáo được tuyển chọn thông qua cuộc thi viết truyện ngắn về Nhà giáo Việt Nam. Với mỗi bài viết, người thầy được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều góc độ, trong nhiều tình huống, thể hiện đa chiều cung bậc tình cảm của con người. Phê phán cái xấu, cái ác, nâng niu, vun trồng cái tốt đẹp, cái cao thượng - đó là điều tác phẩm hướng tới hình ảnh người thầy được xã hội tôn vinh. Không ít các tác phẩm được viết ra từ những trăn trở, đau đớn chuyện nghề. Chuyện nghề nghiệp của nhà giáo không bó hẹp ở bài soạn, bài giảng, mà còn ở đời sống hiện thực phong phú và sinh động, ở cả những góc khuất trong tâm hồn. Mới hay nghề thầy, vượt lên chuyện chuyên môn, kiến thức là một tấm lòng nồng hậu, một trái tim nhân ái, luôn thấu hiểu, biết thông cảm, sẻ chia.
Mở trang sách, đến với câu chuyện đầu tiên Bồn hoa rực rỡ của tác giả Đỗ Lan Phương, các em sẽ được gặp thầy Hùng - một người thầy rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, thầy là một thương binh nặng, nhiều lần đã phải nén những cơn đau "như mũi khoan vô hình xoáy vào tim, xông lên đỉnh đầu" mà tiếp tục đứng lớp. Đọc truyện, chúng ta sẽ thấy người thầy ấy không chỉ kiên cường trên chiến trường, mà nay cũng hi sinh, cống hiến rất nhiều cho "sự nghiệp trồng người". Tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu là điều mà không chỉ người thầy trong câu chuyện mới có. Cô xin trích dẫn một đoạn viết trong truyện để các bạn thấy được tâm niệm của thầy Hùng và có lẽ đó cũng là tâm niệm với nghề của rất nhiều thầy, cô giáo xung quanh chúng ta: "Thầy say mê dạy học và viết văn. Dạy học giúp thầy thêm vốn sống. Viết văn giúp thầy thực hiện những dự định tốt đẹp, tiếp tục dạy dỗ học sinh nên người. Cho dù viết văn hay dạy học, tất cả đều xuất phát từ học sinh thân yêu". Nói thầy Hùng đặc biệt còn ở chỗ thầy đã sắp về hưu, nhưng "cuộc đời dạy học của thầy Hùng không có phút cuối cùng". Vì sao lại như vậy? Khi đọc xong câu chuyện các em sẽ có sự lí giải cho điều đó. Hình ảnh người thầy ấy sẽ sống mãi trong tâm hồn học trò.
Các em ạ, Cô sẽ giữ cho em mùa xuân là nhan đề sách đồng thời cũng là tên một câu chuyện trong cuốn sách, của tác giả Vũ Hoàng Lâm. Truyện viết về cuộc đời và những băn khoăn, trăn trở của một cô giáo chủ nhiệm đối với học sinh lớp mình. Khi tiếp nhận học sinh cá biệt có biệt danh là "tướng nghịch" cô đã gặp rất nhiều khó khăn. Sự bướng bỉnh, những trò đùa tinh quoái, luôn quậy phá, và hay trốn học, là điều mà cậu học trò ấy đã làm cho cô giáo rất phiền lòng. Đọc truyện các em cứ ngỡ như mình đã từng gặp một bạn học sinh như thế. Vậy các em sẽ phải làm gì để cùng với cô giáo chủ nhiệm giúp đỡ bạn ấy tiến bộ? Với một tấm lòng bao dung, thương yêu vô hạn, cô giáo trong câu chuyện đã tìm mọi cách thức tỉnh học trò để cậu có được định hướng đúng đắn. Tấm lòng của những người thầy, người cô thật là đáng kính. Họ không chỉ là thầy mà còn như người cha, người mẹ chúng ta vậy.
Và câu chuyện tôi muốn kể cho các em hôm nay là câu chuyện của một cậu học trò cá biệt tên là Liên. Cậu đến lớp không lo học hành chỉ tìm cách trêu chọc bạn, quậy phá, lêu lỏng. Cuộc sống của cậu cứ tiếp tục diễn ra cho tới một ngày cô giáo Thân đến nhận lớp. Thật buồn cho cô đang trong thời kì tập sự mà phải nhận một cậu học trò nghịch ngợm như thế. Và cũng thật không ngờ cô giáo Thân cũng là bước biến chuyển của cuộc đời Liên, một người đội viên đúng mực, một cái nghề nuôi bản thân và gia đình. Muốn biết diễn biến câu chuyện ra sau mời các em đến thư viện tìm đọc nhé.
Khi đọc xong những mẫu chuyện trong tập sách nhỏ này, mong rằng các em sẽ hiểu - điều gì cũng phải học và suy xét mới biết được tường tận. Như ông bà ta từ xa xưa đúc kết kinh nghiệm có câu: " Học ăn, học nói, học gói, học mở ". Có nghĩa là để trở thành người có văn hóa, ngoài việc học chữ các em phải học cách ứng xử lễ độ với người trên, biết thương yêu giúp đỡ bạn bè, giúp người hoạn nạn, khó khăn. Và để trở thành người có văn hóa còn phải biết tránh xa cái xấu, cái ác. Mỗi ngày ra khỏi nhà, các em sẽ bắt gặp nhiều sự việc... Các em hãy suy xét và hành động để mỗi ngày làm thêm một việc tốt nhé!
Ngoài cuốn sách “cô sẽ giữ cho em mùa xuân” các em còn có thể tìm đọc những cuốn sách viết về Nhà giáo Việt Nam trong bộ sách truyện chọn lọc viết về Nhà giáo Việt Nam với những tập sách như: bản tình ca mùa thu, ngày trở về, một truyền thuyết, mạnh hơn 113, vằng vặc một tấm lòng, thiên thần không có cánh, mùa cát nổi, mùa của ngày hôm qua… Hy vọng các em tìm được nhiều bài học bổ ích từ cuốn sách này, cố gắng phấn đấu học thật giỏi, làm thật chăm, ý thức thật tốt.
DUYỆT BÀI GIỚI THIỆU NGƯỜI VIẾT BÀI
PHT. Nguyễn Thị Hoà Phạm Thị Huyền