Kính thưa các thầy cô giáo!
Các bạn học sinh thân mến!
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là hoạt động thường niên, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Từ tuần lễ này, nhiều lớp học chuyên đề đã được mở ra; nhiều thư viện, tủ sách cho các cơ sở giáo dục, lớp học và cho cộng đồng đã được xây dựng, góp phần phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội.
Thực hiện Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề " Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”, trường Tiểu học Quyết Thắng, xin trân trọng giới thiệu đến thầy cô và các em học sinh cuốn sách: “ Bác Hồ - Tấm gương học tập suốt đời” của tác giả Đỗ Hoàng Linh, được nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2017.
Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo.
Người nói: " Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được, không tiến bộ là thoái bộ, xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học tập thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình". Người còn dạy: "Học không bao giờ cùng, càng học càng tiến bộ, càng tiến bộ càng phải thấy học thêm".
Cuộc đời và sự nghiệp Bác Hồ là tấm gương sáng về tinh thần tự học, lấy tự học làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Song, tự học của Bác không phải tùy ý mà đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật với những kế hoạch cụ thể, chặt chẽ; với ý chí và quyết tâm bền bỉ, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học.
Để hiểu rõ hơn về tinh thần tự học của Bác Hồ và rút ra được những bài học, kinh nghiệm cho bản thân, mời các thầy cô và các em học sinh cùng tìm hiểu nội dung của cuốn sách nhé!
Trong Phần 1: Hồ Chí Minh- tấm gương cao đẹp về tinh thần tự học và học tập suốt đời. Bạn đọc sẽ rất bất ngờ và khâm phục với “Phương pháp học tiếng nước ngoài”, “ Phương pháp suy nghĩ”, “ Bác Hồ - tấm gương khổ luyện ngoại ngữ”,…
Như chúng ta biết , trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7, Bác Hồ được miêu tả: "Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha". Ngoài ra dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, Bác còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: Tiếng Xiêm (Thái Lan bây giờ), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của rất nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam…
Theo Bác nói “ Mình rất cần phải có ngoại ngữ, nhưng điều kiện học thì thực khó khăn, người dạy, sách vở đều không có. Lại phải vừa lao động cực nhọc, vừa tranh thủ học…”
Vậy, Bác Hồ đã có phương pháp tự học ngoại ngữ như thế nào? Xin trích dẫn một đoạn viết của Bác trong câu chuyện “ Bác Hồ- tấm gương khổ luyện ngoại ngữ” để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn: “Để có thể học thuộc các từ, mình viết nó lên mu bàn tay. Rồi những lúc bưng bê thức ăn cho khách, những lúc rửa bát, mình vừa làm, vừa nhẩm, khi nào quên thì nhìn vào mu bàn tay. Đến lúc nét chữ nhoè đi cũng là lúc mình đã thuộc. Cứ thế mình học mãi.”
Có thể thấy rằng, tinh thần tự học của Bác thật đáng khâm phục. Phương pháp học ngoại ngữ của Bác rất thiết thực nhưng nếu không có sự quyết tâm và kiên trì, bền bỉ thì không phải ai cũng làm được.
Đến với Phần 2 của cuốn sách: Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Với 34 câu chuyện đời thường gần gũi và ý nghĩa ,kể lại kỉ niệm của những người đã từng được gặp, được làm việc cùng Bác. Bạn đọc sẽ hiểu được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà là một quá trình: Vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lí tưởng của mình; Qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện trí thức và nhân cách của bản thân. Quá trình ấy cũng đã tạo nên Hồ Chí Minh- một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại.
Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng, đòi hỏi mỗi chúng ta phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những biến đổi của xã hội, nếu không sẽ bị tụt hậu. Muốn vậy, mỗi người phải học tập không ngừng, học tập suốt đời thông qua nhiều hình thức, trong đó tự học qua máy tính, điện thoại, sách báo, cần gì học nấy, "học thường xuyên, học suốt đời" là điều rất quan trọng.
Có thể nói “Bác Hồ - tấm gương học tập suốt đời của tác giả Đỗ Hoàng Linh tài liệu quý giúp bạn đọc tra cứu, học tập, hiểu thêm rằng học tập suốt đời là phẩm chất cao đẹp, xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau khi đọc cuốn sách, bạn đọc sẽ có thêm động lực cũng như rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm hữu ích trau dồi cho quá trình tự học của bản thân.
Cuốn sách hiện có trong tủ sách Đạo đức tại thư viện trường. Quý thầy cô và các bạn học sinh hãy tìm đọc cuốn sách theo số ĐKCB là: DPL/00237- 00239.
Trân trọng cảm ơn quý thầy cô và các bạn học sinh đã chú ý lắng nghe! Xin kính chào và hẹn gặp lại trong buổi giới thiệu sách lần sau!
DUYỆT BÀI GIỚI THIỆU NGƯỜI VIẾT BÀI
PHT. Nguyễn Thị Hoà Phạm Thị Huyền